Đánh giá Hoàng Tích Chu

Mặc dù chỉ mới nổi danh trong làng báo có 3 năm (1929-1932), nhưng Hoàng Tích Chu đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử báo chí Việt Nam. Lối văn và cách làm báo của ông đã để lại không ít tranh cãi, tuy nhiên đã đánh dấu một bước cách tân cho báo chí về hình thức và trình bày [2].

Thiếu Sơn, trong phê bình và cảo luận nhận định [2]:

Cái cảm tình của quốc dân đối với ông Chu tưởng cũng là một sự thưởng công xứng đáng cho ông đã ra tờ Đông Tây để gây nên sự cải cách lớn trong làng báo Bắc Kỳ

Phan Khôi nhận xét về văn ông [5]:

Trong văn Quốc ngữ ta, cái lối viết của ông Hoàng Tích Chu thật nó biệt hẳn ra một lối, đủ mà kêu được là "lối văn Hoàng Tích Chu", sự ấy trong làng văn ta hình như đã công nhận một cách vô tâm rồi. Chẳng luận lối văn ấy ông Chu sáng tạo ra hay bắt chước của ai; nội một cái biệt lập ra một nhà được như thế, cũng khá gọi là tay hào kiệt trong làng văn vậy (..) Lối văn Hoàng Tích Chu ấy mà muốn vĩnh viễn thành lập trên văn đàn, bề nào cũng phải cải lương. Mà sự cải lương nầy không cốt ở sửa đổi đẽo gọt bề ngoài, phải nhờ ở công học vấn bên trong mới được.

Trần Hoà Bình viết [6]:

Ông được coi là nhà báo chuyên nghiệp đầu tiên được đào tạo tại Pháp và cũng là người đầu tiên đã táo bạo thực hiện một cuộc cách mạng trong nghề làm báo ở nước ta, bằng cả quan niệm và hoạt động thực tiễn (ông đã làm chủ bút hoặc giữ vai trò yếu nhân 4 tờ báo nổi tiếng: Khai hóa, Hà Thành ngọ báo, Đông Tây, Thời báo). Chính những phát ngôn và hành xử nghề nghiệp của ông đã làm đảo lộn quan niệm về nghề và người làm báo trong đời sống báo chí đương thời, làm thay đổi cách tiếp nhận thông tin từ số đông bạn đọc - những người chưa quen với những thông tin bộc lộ một thái độ quyết liệt về những vấn đề xã hội, chính trị.. Và ông, như một lẽ đương nhiên của kẻ đi tiên phong, đã hứng chịu rất nhiều búa rìu của dư luận - chủ yếu là từ các đồng nghiệp vẫn "theo lối làm báo cổ hủ ở xứ ta" (Tế Xuyên). Dẫu có thể còn có những cách nhìn khác nhau về Hoàng Tích Chu, nhưng khi nhắc đến ông và các tờ báo mà ông đã thực hiện, đặc biệt là tờ Đông Tây, người ta không thể không thừa nhận những tác động tích cực của "hiện tượng Hoàng Tích Chu và Đông Tây" đến đời sống báo chí Việt Nam đương thời và mấy thập niên về sau. Ông xứng đáng với danh hiệu "người đầu tiên cách tân báo chí Việt Nam"

Báo Đông Phương trong năm 1930-1931 thì lại đặc biệt công kích lối "văn cộc" của Hoàng Tích Chu, với người theo đuổi công kích là Thục Điểu (Ngô Tất Tố) [3].